Trước hết, mình xin nói rằng mình KHÔNG PHẢI DÂN CHUYÊN NGHIỆP về vẽ tranh minh họa. Cũng không phải người vẽ nhiều. Mình chỉ thích vẽ mà thôi. Vì thế, bài này mình sẽ nói về quá trình mình vẽ một bức tranh minh họa trên phần mềm photoshop như thế nào nhé. ( Hy vọng có thể giúp một vài bạn tự mày mò và có sở thích vẽ giống mình).

Bước 1: Tìm ý tưởng

Mình nghĩ dân không chuyên hay dân có chuyên nghiệp đi chăng nữa ban đầu tiên cũng phải có ý tưởng là muốn vẽ cái gì, đề tài gì ? Tuy nhiên sự khác nhau giữa người vẽ nhiều hay có năng khiếu là họ có thể tự hình dung sự vật, sự việc trong đầu rồi vẽ ra chúng.

Còn với người như mình thì thường mình sẽ tìm chủ đề trong đầu trước. Ví dụ như mình muốn vẽ về cuộc sống của vợ chồng trẻ, hay cuộc sống của người phụ nữ có bầu chẳng hạn. Nó phải gắn với cảm xúc của mình thì mình mới có hứng vẽ. Sau đó mình lên các trang ảnh mẫu để tìm tư thế cần vẽ. Tức là mình có ý tưởng vẽ nhưng không thể tự hình dung ra hình dáng chi tiết của một vật thể nào đó cả.

Ví dụ mình muốn vẽ một chiếc xe máy, trong đầu mình phân biệt được đây là xe máy nhưng mình lại không thể vẽ hoàn chỉnh hình một chiếc xe máy gồm những chi tiết nào cụ thể cả.

Vì thế có một hình mẫu là điều cần thiết đối với mình. Mình hay tìm hình mẫu trên trang pinterest. Để tránh việc phụ thuộc vào tranh của người khác, mình không tìm những bản vẽ minh họa của người khác vẽ mà tìm những hình người thật chụp và tập quan sát chúng.

Việc đầu tiên quan sát đó là góc nhìn tầm mắt của một bức tranh ( thẳng, ngang, trên, dưới). Bạn thích tư thế và góc nhìn tầm mắt như thế nào, rồi tìm những hình có tư thế gần như bạn tưởng tượng để lấy làm mẫu.

Mình nghĩ tìm những bức tranh mà có đầy đủ ánh sáng rõ nét càng tốt, nó sẽ giúp rất nhiều trong việc quan sát ánh sáng để tô màu ở bước tiếp theo.

Việc lấy các mẫu hình chụp người hay vật thật thay vì tìm những tác phẩm minh họa của người khác, sẽ giúp bạn tránh việc bị phụ thuộc vào cách lên màu cũng như cách vẽ của họa sỹ khác và dĩ nhiên là cũng tránh việc bị gọi là đạo nhái nữa.

Bước 2: Sketch

Bước tiếp theo, mình sẽ vẽ phác thảo nháp hình vẽ ý tưởng ấy trông như thế nào. Hầu như các mẫu thật thì tỉ lệ đầu nhỏ so với kiểu mình hay vẽ. Nên thường mình sẽ chỉnh tỉ lệ đầu to hơn một chút, chân ngắn đi một chút. Cái này theo mắt nhìn và phong cách của từng người nhé. Mình cảm giác như thế dễ chịu mắt hơn với mình.

Khi sử dụng phần mềm photoshop cho phần này mình thường sử dụng đầu chút chì, nét nhỏ để phác thảo. Đôi khi mình cũng dùng dạng bút mực (INK) nét nhỏ. Nói chung dạng bút nào cũng được, miễn nét bút nhỏ là được vì sau đó mình không giữ nét này trong bức vẽ hoàn thiện nên cũng không cần quá quan tâm.

À, nếu mình giữ các nét vẽ bao bọc nhân vật để tô màu nhanh thì thường mình sẽ chú ý đến nét bút gì ví dụ như bức hình này.

Việc vẽ có rất nhiều phong cách khác nhau, và chẳng ai cấm và bắt chúng ta mãi mãi đi theo một phong cách cả. Nên cứ vẽ như nào mà bạn muốn thôi.

Bước 3: Hoàn chỉnh lại bản sketch

Bước này khá thú vị với mình, mình có thể mất hàng giờ đồng hồ để thay đổi ý tưởng như tóc ngắn hay dài, mắt híp hay mắt to, miệng cười hay mếu v..v..

Bước này mình sẽ tập vẽ thật nhiều các biểu cảm của khuôn mặt. Rồi vẽ càng chi tiết càng tốt.

Bước 4: Tìm màu chủ đạo

Thật lòng mà nói mình rất kém cỏi trong việc này. Nhưng cách mình hay dùng đó là một bức tranh càng ít màu càng tốt 🙂 (Với mình nhé) Mình sẽ lên màu chính trước cho toàn bộ bức tranh.

Khi tô thì không cần phải quá kỹ càng tô đúng viền, chỉ cần tô qua qua để có cái nhìn tổng thể về màu sắc, xem nó có hợp hay không. Bước này khá quan trọng với mình vì sau khi lên màu chi tiết ở bước tiếp theo, mình không bị bối rối chọn lựa màu nữa, việc tô màu ở các bước sau nhanh hơn.

Mình thường thích màu tông cam, vàng, nâu, xanh. Kiểu sở thích ý đâm ra loanh quanh hầu hết các bức vẽ của mình toàn những màu ý. Đôi khi cảm thấy buồn chán vì lựa màu thì mình lên trên trang colorhunt để tìm bảng màu phù hợp. Vẽ nhiều rồi thì mình tự tạo ra bảng màu riêng cho da, mắt, tóc, và má hồng v..v.. sau mà bí thì lấy ra dùng luôn đỡ phải nghĩ nhiều.

Tiếp đó mình chỉnh layer đó nhỏ lại ở góc trên cho dễ dùng ở bước tiếp theo.

Bước 5: Lên màu chi tiết

Sau khi đã đại khái có cái nhìn tổng quan hài hòa về màu sắc rồi thì bắt đầu mình tô cẩn thận hơn. Đầu tiên mình vẫn sẽ tô tổng thể trước. Phân ra nhiều layer cho từng vùng ( Da, tóc, váy, mũ giày v..v). Và sau khi lên màu tổng thể chung, mình bỏ nét sketch ( phác thảo) ban đầu đi, nhưng nhìn hình vẫn chia ra từng khối riêng biệt.

Sau đó mình mới đi chi tiết cho từng vùng. Ví dụ như màu da, tóc ở hình dưới :

Thông thường ở bước này là mình sẽ phân tích tranh ban đầu tiên mình lấy làm mẫu. Ánh sáng đi từ phía nào, phần nào sáng phần nào tối, quan sát bức mẫu một chút sẽ giúp mình dễ dàng hình dung hơn.

Ví dụ ở hình trên, ánh sáng mình muốn hắt từ sau lưng ra phía trước. Thì phần cổ màu da sẽ tối hơn. Việc này giúp mình tô màu cho da có cảm giác thật hơn. Thường từ màu gốc ở da, mình sẽ tìm thêm 2 màu nữa, một màu đậm và một màu nhạt hơn để tô tả sáng tối.

Mình tự thấy trình độ của mình còn kém nên việc phân tích ánh sáng này mình nghĩ còn cần học và vẽ nhiều hơn thì mới làm tốt được. Nhưng không sao, cứ vẽ đi đã, đẹp hay xấu tính sau 🙂

Và giống như tô da, mình bắt đầu tô từng bộ phận khác cũng như vậy. Đến tóc, áo, giày, xe v…v Cho đến khi tô hoàn chỉnh các phần.

Bước 6: Hoàn thiện

Bước này mình sẽ thêm các chi tiết phụ như ánh sáng nè, đổ bóng nhân vật hay thêm thắt chữ ký này kia ạ.

Lúc đầu mình còn muốn vẽ phong cảnh đằng sau hoa lá nhưng mà lười quá nên kết thúc ở đây luôn.

Và sau khi hoàn thành thì up lên khoe thôi ạ. Không thích up thì có thể giống mình, ngồi tự in ra ảnh, tự ngắm rồi tự tâm đắc khỏi cần ai tâm đắc hộ luôn 🙂 À lâu lâu bắt bạn bè hay anh bạn cùng phòng ngắm xong bắt khen, thế là vui rùi.

Kết luận

Mình thấy có nhiều em nhắn tin hỏi mình vẽ như thế nào, vẽ dùng phần mềm gì v..v.. Thật mình cũng vui lắm nhưng do mình không được học hành cơ bản, cũng không có vẽ nhiều hay chuyên nghiệp gì nên mình chẳng biết chia sẻ thì có giúp được các bạn hay không.

Tuy nhiên mình nghĩ, vẽ xấu hay đẹp thì cứ vẽ thôi vì chúng mình thích mà. Không biết vẽ gì thì vẽ cái lá cái cây, thấy tranh của ai đẹp vẽ lại cũng chẳng sao, biến nó thành phong cách của mình v..v .Miễn sao mình làm những điều khiến mình vui là được. Đừng suy nghĩ quá nhiều. Nhiều người nói với mình: em vẽ xấu không dám chia sẻ.

Mình nghĩ mình không chuyên nghiệp nhưng mà mỗi khi mình vẽ xong, mình đều thấy nó đẹp…( cho đến khi 1 tháng sau nhìn lại, à có khi 1 tuần sau nhìn lại, mình chỉ muốn hủy táng nó ngay vì thấy chẳng đẹp gì nữa cả:)) ) Nhưng cả thế giới này có thể xem nó xấu riêng bản thân mình phải luôn thấy nó đẹp trước đã. Cái gì mình tạo ra là có 1 không 2 cơ mà, tội gì chính bản thân vùi dập.

Không phải vẽ để kiếm tiền hay kiếm cơm, vẽ để giải tỏa vui thì làm gì mà phải quan trọng hóa quá vấn đề lên. Cầm bút và vẽ thôi nếu chúng mình thích.