Sau khi ghi tổng quát các bước cần phải làm trong phần 1, hôm nay tớ sẽ chia sẻ về những khó khăn mà chúng tớ cần đối mặt.
Trước hết, tất cả những gì tớ viết đều là kinh nghiệm thực tế tớ đang gặp phải. Có thể những suy nghĩ của tớ không hợp với số đông nhưng tuyệt đối tớ không phê phán bất cứ một cá nhân nào làm khác chúng tớ cả.
Khó khăn đầu tiên của chúng tớ là khâu vận chuyển
Vận chuyển sách từ Việt Nam sang Phần Lan giá cân còn cao hơn cả tiền mua sách. Chúng tớ hướng tới mục tiêu nhập sách có sẵn tức là phải chọn lựa từng đầu sách khi mang sang. Dự đoán sách nhập sẵn có hợp với số đông và cần thiết cho nhiều người hay không? Chúng tớ cũng tự đặt ra phương châm free ship toàn Phần Lan nên chúng tớ phải cân đối giữa phí ship vận chuyển bên Phần Lan và phí ship vận chuyển từ Việt Nam sang Phần để sao có một mức giá hợp lý nhất có thể.
Người dùng thì không cần phải biết vấn đề này, đơn giản chỉ cần biết tổng giá đến tay là nhiêu? rẻ hay đắt? Hết. Nhưng làm một người kinh doanh, đứng trên phương diện của khách hàng nữa, chúng tớ phải tìm được ra công thức tính chung cho mọi đầu sách với mọi cân nặng có mức giá phù hợp nhất thoả mãn được tiêu chí rẻ, chất lượng tốt kèm dịch vụ hoàn hảo.
Khó khăn thứ 2: Tìm dịch vụ đóng gói, kho bãi ở Phần Lan
Trước mắt chúng tớ phải tự mua hộp, tự đóng gói bằng tay từng order của khách. Nhưng trong tương lai, chúng tớ cần kho bãi và dịch vụ đóng gói chuyên nghiệp hơn, đảm bảo quy trình đóng gói chuẩn an toàn và nhanh nhẹn. Tức là khi các bạn đặt hàng trên webshop của chúng tớ thì đơn hàng sẽ được chuyển thẳng đến công ty kho bãi phụ trách đóng gói và ship hàng liền. Dịch vụ kho bãi đóng gói chọn lựa như thế nào cho rẻ và tiết kiệm nhất cho công ty cũng như cho khách hàng ?
Giá ship doanh nghiệp ở Phần Lan cũng đắt ấy các bạn ạ. Nếu ai có nhu cầu làm kinh doanh mặt hàng giống tớ hay là mặt hàng khác như mỹ phẩm các kiểu chả hạn. Mà ship trong Phần thôi thì hộp dưới 2 kg, gói hàng nhét qua thùng thư tại nhà có thể chỉ lên tới 4,3€ thôi nhưng nếu gói hàng to mà dưới 2kg không nhét qua thùng thư được thì giá ship là 5,9€ ạ. Ôi trời ơi trong khi đó bọn tớ free ship cho những đơn hàng trên 50€ và nếu ship thì sẽ trừ 5,9€ cho từng đơn hàng đó ạ.
Khó khăn thứ 3: Thuế và luật pháp của Phần Lan
Các bạn có biết tại sao chúng tớ không dám nhận tiền của các bạn ngay tại thời điểm này mặc dù các bạn có thể order mọi đầu sách với chúng tớ không?Tiền các bạn chuyển khoản sẽ vào tài khoản công ty chứ không thể vào tài khoản cá nhân của bất cứ ai trong chúng tớ được. Và khi bạn thanh toán bất cứ đầu sách gì bên chúng tớ đều phải có hoá đơn cho bạn cũng như cho công ty.
Trong luật của Phần Lan, trên mỗi tờ hoá đơn chúng tớ sẽ phải thu thêm thuế VAT và phải ghi rõ thuế VAT là nhiêu cho khách hàng biết.
Nếu các bạn mua giá trị đơn hàng trên 50€ freeship nhưng nếu có những bạn mua sách giá trị thấp hơn 50€ không được freeship thì phí ship là nhiêu? Luật ở Phần Lan cũng bắt buộc chúng tớ tính cả thuế trên giá ship nữa.
Tất cả những giao dịch liên quan đến The Stations đều phải rõ ràng, công khai minh bạch và có hoá đơn đầy đủ. Đây cũng là bước vô cùng quan trọng giúp kế toán công ty làm việc tốt, khai báo rõ ràng với nhà nước. Và cũng chính vì điều này, chúng tớ phải nhất quán trong việc dùng phương thức gì để khách hàng thanh toán nhanh và an toàn nhất ?
Ban đầu tiên chúng tớ chỉ nhận order trên sự tin tưởng với khách hàng là chính, sau khi hoàn thiện thống nhất phương thức thanh toán như nào tốt nhất cho công ty và dễ dàng nhất cho kế toán chúng tớ mới dám nhận tiền từ các bạn.
Đáng lẽ ra sau khi hoàn thành các bước này chúng tớ mới nhận order nhưng với suy nghĩ non nớt của một người Việt ít hiểu biết như tớ, ban đầu tớ nghĩ làm online giống như ở Việt Nam thôi, khách đặt thì chuyển tiền vào tk cá nhân của tớ là xong. Có rất nhiều người làm như vậy có sao đâu, nhưng hoàn toàn có sao đấy các bạn ạ. Tất cả mọi khoản tiền ra vào từ tài khoản của bạn rồi cũng sẽ có một ngày nhà nước để ý đến. Đừng lấy sự không hiểu biết của bản thân để nguỵ biện cho hành vi của mình. Tớ tin rằng làm đúng luật ngay từ đầu mặc dù khó khăn và tốn kém nhưng sẽ đi được các bước dài hơn trong tương lai.
Khó khăn thứ 4: Cổng thanh toán bảo mật
Đây là một mô hình kinh doanh online nên việc thanh toán online là điều hiển nhiên. Giống như tất cả các webshop khác, chúng tớ cần phải đăng ký dịch vụ qua cổng thanh toán online để đảm bảo giao dịch được đúng luật. Và chi phí mỗi đơn hàng các bạn thanh toán chúng tớ phải trả thêm 3% tổng đơn hàng cho phía cổng thanh toán và 0,50 cen cho mỗi một lượt thanh toán.
Lời kết:
Sống ở bất cứ đất nước nào thì phải theo luật của đất nước ấy. Tớ không phê phán những người làm trái luật nhưng sau khi tự tay làm việc một cách nghiêm túc, tớ càng thông cảm và ủng hộ hơn cho những anh chị Việt Nam làm chính quy. Đằng sau những món hàng các anh chị ấy gởi đến mình, kể cả làm về đồ ăn, với thị trường cạnh tranh khốc liệt, cân đối giá cả, thuê cửa hàng, trả tiền nhân viên và đóng thuế cho nhà nước.Vượt qua bao nhiêu khó khăn đó mới đến tay người dùng, thì giá có cao hơn chút tớ cũng thấy xứng đáng.
Tớ chia sẻ bài này để nếu những ai làm kinh doanh giống tớ thì cũng có cái nhìn khái quát hơn về các bước kinh doanh, về những chi phí phát sinh mà các bạn chưa nghĩ tới.
Tớ chia sẻ bài viết này cũng để kêu gọi những người tiêu dùng hãy thông cảm và có sự ủng hộ hơn cho những doanh nghiệp Việt Nam, những cửa hàng ăn, những dịch vụ mà người Việt làm một cách chính quy và đúng luật.
Sau này nếu tớ có ra ngoài tiệm ăn, giá có đắt hơn đặt hàng online bán nhỏ lẻ cá nhân thì tớ cũng không than phiền ôi sao đắt thế nữa.
Mặc dù tớ chưa kiếm ra tiền cũng chưa thực sự đóng được một đồng thuế nào cho xã hội tính tới thời điểm này, nhưng khi tớ mua hàng và sử dụng dịch vụ ở bất cứ công ty chính quy nào, tớ cũng đã đóng một phần tiền nhỏ bé cho thuế tiêu dùng nước nhà.
Hy vọng rằng những chia sẻ ít ỏi này sẽ giúp bạn có cái nhìn khách quan hơn cho các doanh nghiệp.