Hôm nay mình sẽ liệt kê một vài món đồ mình yêu thích nhất kèm đánh giá cá nhân về những món đồ mình hay dùng cho bé dưới 1 tuổi nhé. Mình sẽ chèn link mình mua ở đâu cho các bạn tham khảo. Cái nào mình không chèn link là những món mình được tặng nhé!

Đồ chơi cho bé

1 – 3 tháng

Đầu tiên nói về đồ chơi của bé, mình thấy rằng KHÔNG CÓ BẤT CỨ MÓN ĐỒ CHƠI NÀO TỐT BẰNG BỐ MẸ ĐỨA BÉ ẤY CẢ. Tức là bạn có mua bất cứ một món đồ chơi đắt tiền nào đó mà để bé chơi một mình, nó cũng chẳng giúp bé thông minh hay học hỏi điều gì tốt từ món đồ chơi ấy cả.

Quan điểm cá nhân của mình, đồ chơi cho bé không phải là thứ để làm cho bé có thể tự chơi một mình và tạo cho mình có nhiều thời gian rảnh nhất có thể nên nhiều mẹ hỏi mình mua gì để bé tự chơi thì mình cũng không biết bởi bản chất của một đứa bé là nó chẳng cần đồ chơi nó vẫn tự chơi được.

Vì vậy, khi mua một món đồ chơi về mình thường suy nghĩ rằng cái món đồ chơi này mình có thể cùng con chơi với nhau như thế nào? Khi đưa bé đi nhà trẻ, đi công viên, thường bé sẽ được chơi cùng với bạn, với cô. Còn khi bé ở nhà, cả bố và mẹ nên dành thời gian chơi cùng con.

TUMAMA Baby Black White Flash Cards

Từ 0 đến 3 tháng tuổi, em bé thức ít và thường nằm một chỗ. Mình thường cho bé xem những hình có độ tương phản màu sắc cao như màu trắng và đen. Bộ cards bằng hình ảnh là một lựa chọn không tồi, TUMAMA Baby Black White Flash Cards có 80 tấm với nhiều hình ảnh khác nhau cho bé từ khi bé còn nhỏ đến khi bé lớn đi học luôn. Khi bé thì tầm nhìn của bé ngắn nên thường mình sẽ tập mắt cho bé. Mình thì không nghĩ cao siêu là bé nhìn mấy cái hình là bé thông minh hay hiểu gì đâu, nên mẹ nào thích thì mua thôi chứ mục đích chính mình mua ban đầu để tập mắt cho bé thôi. Đưa hình ra trước mắt bé lấy sự tập trung rồi xoay sang trái rồi sang phải, xem bé có đưa mắt theo hình không? Bé có cố gắng xoay được cổ theo hình không? Mình không dán nó cố định mà cầm trên tay rồi tập cho bé biết cách đảo mắt, xoay cổ để cho mắt linh hoạt và cổ cứng cáp mà thôi. Đây cũng là cách mình kiểm tra mắt bé có vấn đề gì hay không.

Đánh giá :

Món đồ này mình nghĩ có cũng được không có thì thay bằng những vật có màu sắc tương phản cao nào cũng được, không nhất thiết phải mua. Lúc bé nó chả phấn khích tương tác nhiều đâu.

Link mua hàng: TUMAMA Baby Black White Flash Cards €16.99

Tumama Baby Cloth Books My First Soft Books

Tiếp theo là những cuốn sách trắng đen bằng vải. Khi vò sách vải này sẽ có tiếng lạo xạo, bên trong có một miếng bóp ra tiếng. Mình dùng nó để kiểm tra phản ứng của bé với tiếng động khác nhau. Khi bật nhạc lớn bé sẽ nhìn theo tiếng phát ra âm thanh, đồng thời mình vò hay bóp sách vải này bên cạnh bé để kiểm tra xem bé có phát hiện hay phân biệt một tiếng động khác đan xen vào tiếng nhạc cạnh bé hay không? Tức là có 2 nguồn phát ra âm thanh khác nhau thì bé có phân biệt được hay không? Ngoài ra, sách vải này có hình, bé có thể cầm bóp một cách thoải mái, rất thân thiện cho những bé dưới 6 tháng tuối.

Đánh giá :

Cái cuốn sách vải này mình thấy rất thích, kể cả khi em bé lớn một chút, đến giai đoàn bò được rồi nó cũng rất tò mò về những thứ phát ra tiếng động. Chưa kể sách này nó thể giặt sạch sẽ và dùng rất an toàn.

Link mua hàng: Tumama Baby Cloth Books My First Soft Books €16.99

Sách truyện tranh bằng tiếng mẹ đẻ

Mình không có suy nghĩ phải dạy con song ngữ, hay phải dạy con tiếng Phần Lan, Thụy Điển gì đó ngay từ tấm bé. Mình luôn luôn mong muốn con mình giỏi tiếng Việt Nam trước. Dù con ở Phần Lan thì con hãy giỏi tiếng Việt trước đã. Tiếng Việt rất quan trọng với mình, bởi đây là ngôn ngữ mà mình thông thạo nhất, là cầu nối duy nhất giữa gia đình và con cái, giữa thế hệ ông bà và con cháu nên dù có sinh ra ở đâu thì tiếng Việt vẫn phải là thứ tiếng quan trọng nhất. Mình sẽ dành toàn bộ thời gian để dạy con tiếng Việt. Sách truyện tiếng Việt mình nghĩ là quan trọng. Không cần phải là truyện ehon, không cần phải là truyện gì đó quá cầu kỳ, đôi khi chỉ cần là những truyện dân gian nhỏ cũng được: thánh Gióng, Tấm Cám, sọ dừa v..v.. Chỉ là đọc hàng ngày, nói nhiều với con bằng tiếng Việt, táng vào đầu con liên tục bằng tiếng Việt. Khi con giỏi tiếng Việt, mình tin con sẽ học rất nhanh các thứ tiếng khác thôi.

Mình sống và sinh con ra ở nước ngoài, điều mình lo sợ không phải khả năng ngoại ngữ của con, con đương nhiên sẽ học và tiếp thu rất nhanh tiếng Phần Lan. Điều mình lo ngại là con không biết tiếng Việt mà thôi. Mình hy vọng dịch sẽ hết và con có thể trở về Việt Nam để hiểu và biết rằng, Việt Nam mới là nơi con thuộc về, ở đó có ông bà họ hàng người thân của con.

Ngoài sách truyện thì mình tìm những bài hát thiếu nhi bằng tiếng Việt, những chương trình thiếu nhi bằng tiếng Việt cho con nghe hàng ngày.

Đánh giá :

KHÔNG THỂ THIẾU. MUA!!!

Skip Hop Activity Gym

Cái thảm chơi này rất hữu ích khi bé dưới 4 tháng tuổi. Khi bé biết bò rồi thì bé sẽ không hứng thú với chiếc thảm này nữa. Tuy nhiên nó rất hữu ích đối với em bé của mình. Chiếc thảm được gắn đồ chơi trên cao khiến bé tập được khả năng kéo, với đồ chơi bé muốn. Thảm rất êm, dễ giặt, có nhiều tương tác với những em bé dưới 4 tháng tuổi (có gắn đèn, nhạc, gương v..v..). Mình phải cảm ơn chiếc thảm này rất nhiều vì đã khiến mình trông con dễ dàng và thoải mái hơn, có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn mà vẫn khiến bé có sự vận động nhẹ nhàng. Hiện tại bây giờ bé nhà mình đã không còn chơi thảm này nữa, mình giặt cất thảm dành cho bé thứ 2.

Link mình mua hàng: (có nhiều mẫu lắm luôn) Skip Hop Activity Gym €99.99

3 đến 12 tháng

Fisher-Price Ring Pyramids

Cái đồ chơi nhìn vô dụng rẻ tiền này mà mình với con có thể chơi với nhau hàng tiếng luôn ạ. Đừng kỳ vọng vào mấy đứa trẻ quá nhiều như kiểu bọn nó biết ngồi im và cho mấy cái vòng vào đúng vị trí. Thằng con mình luôn cầm cái này đi đập phá khắp mọi nơi, ném các vòng tứ lung tung. Mẹ cho vòng vào đúng chỗ thì nó lấy ra rùi ném đi khắp nơi. Nhưng mình thấy đây là món đồ có thể làm bé bước đầu nhận biết về màu sắc. Mỗi khi chơi mình thường nói rất nhiều về các màu cho bé nghe: mẹ lấy màu cam này, mẹ cầm màu xanh lá này v.v.. Đặt tên cho các vòng tròn bằng màu sắc là cách mình chơi cùng con với món đồ chơi này.

Đánh giá :

Mua cũng được không cũng được. Mình nghĩ chắc phải 1 tuổi may ra em bé nhà mình mới biết cho những cái vòng vào đúng vị trí, giờ 9 tháng tuổi rồi mà vẫn cầm mấy cái vòng đi khắp nơi trong nhà rồi gặm cắn không à 🙁

Link mua hàng: Fisher-Price Ring Pyramids €7.99

Baby’s First Keyboard, English language version

Eo ơi cái đàn này nó bền khủng khiếp ấy các bạn ạ. Thằng nhà mình nó cầm cái đàn đập huỳnh huỵch xuống sàn gỗ mà mình đợi mãi chưa thấy cái đàn nó hỏng luôn. Khi em bé trên 6 tháng mình nghĩ bé mới thích chơi cái này. Lúc đầu bật sang chế độ con bò kêu mà con nhà mình nó sợ nó còn khóc nhè cơ. Được cái đây là món mà mình thấy mình không cần phải tương tác nhiều cùng con, mỗi khi mình bận dọn dẹp thì đây là món mà con mình có thể tự mày mò chơi 1 mình được mà không cần mình trợ giúp. Chiếc đàn này khá hay ho khi có nhiều chế độ tiếng, mình thường đánh bài chúc mừng sinh nhật trên chiếc đàn bé tẹo này cho con nghe :)) Qua đây mình cảm giác con mình không có đam mê hay thích với ấm nhạc cho lắm. Nhưng các bạn có thể thử xem con mình có thích thú với âm nhạc không ?

Đánh giá :

Nên mua một chiếc, mình nghĩ đứa trẻ nào cũng nên có một chiếc đàn đồ chơi.

Link mua hàng: Baby’s First Keyboard, English language version €23.37

Đồ chơi bằng gỗ

Cái món đồ chơi bé bé này mình được chị bạn tặng. Kimi thích chơi với những thứ đồ có thể di chuyển, tức là đẩy tay là món đồ chơi ý biết chạy ra đoạn xa, bò theo nó rồi đẩy tiếp. Nó như một thứ khiến bé tập thể dục vậy đó (bò theo mục tiêu).

Có thể thay thế bằng lọ C như này:

Em bé nhà mình thích chơi với lọ C này lắm luôn ý, vì nó vừa tay để cầm, quăng, đẩy nó tự lăn lăn ra xa. Đây là món đồ yêu thích của bé nhà mình. Ảnh trên các bạn có thể nhìn thấy, tuy thích chú rùa gỗ nhưng tay còn lại vẫn không quên cầm chắc lọ C yêu quý.

Mình thường chơi với con bằng cách quăng lọ C ra xa để con mình bò theo lọ C bắt lấy, rồi bé sẽ cầm lọ C quăng lại cho mình. Hai mẹ con đẩy qua đẩy lại lọ C với nhau hoài luôn đó ạ. Trong khi chơi cùng nhau có thể nói chuyện với con, để con bò vòng quanh nhiều. Phương pháp này khiến bé đốt năng lượng tốt vì hoạt động tay chân liên tục. Bé cứng cáp và khỏe hơn, đặc biệt là vắt kiệt sức lao động đêm chắc chắn ngủ cực ngon!

Đồ chơi hộp trong hộp

Cái này mình cực kỳ thích luôn ấy, có thể dạy con nhận biết hình ảnh, các chữ số. Dạy con cách phân biệt hộp to hộp nhỏ, mình thấy vô cùng hữu dụng tuy nhiên con mình 9 tháng nó chẳng hứng thú gì cả. Mình nghĩ chắc phải thêm vài tháng nữa nó mới biết cách chơi hoặc mình sẽ phải kiên trì với những chiếc hộp hơn.

Mattel Fisher-Price Rainforest Fun Jumpe Roo

Cuối cùng kết thúc những món đồ chơi yêu thích là chiếc ghế nhún này. Theo mình tìm hiểu thì những chiếc xe tập đi hay những chiếc ghế nhún này HOÀN TOÀN KHÔNG TỐT CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BÉ, nhất là với những bé dưới 6 tháng tuổi.

Nó có thể gây ra nhiều hệ lụy như chậm đi, ảnh hưởng đến khung xương của bé v..v… Tuy nhiên, mình vẫn mua nó vì sao?

Mình mua nó khi em bé nhà mình đã được 7,8 tháng tuổi, bé đã biết vịn đứng, cổ cứng và khá khỏe mạnh. Bé biết đặt hoàn toàn cả bàn chân xuống đất và cực kỳ thích nhún nhảy nhảy. Buổi tối trước khi đi ngủ nếu bé còn thừa năng lượng và vẫn còn thức chơi, mình thường cho bé vào ghế nhún 10 đến 15 phút. Tức là một ngày mình chỉ cho bé ngồi chơi không quá 40 phút trong ngày.

Chiếc ghế nhún này giúp ích cho mình rất rất nhiều cho việc đốt năng lượng dư thừa trước khi ngủ của em bé nhà mình, giúp cho em bé hoạt động mạnh và có giấc ngủ ngon hơn.

Vì thế, chiếc ghế gây tranh cãi này có thể các bạn không cần thiết phải mua, nhưng mình nghĩ với sự hạn chế dùng, chỉ dùng một khoảng thời gian ít trong ngày sẽ không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, đối với những em bé đã lớn chậm chững biết đi thì bé không có hứng thú nhiều với chiếc ghế này đâu. Điển hình như em bé nhà mình, bé không có thích ngồi trong ghế quá lâu, nhưng cuối ngày mình đã mệt thì đây là giải pháp cuối cùng của mình nên các bạn có thể cân nhắc việc mua hay không.

Cá nhân mình thì mình rất thích chiếc ghế này, có thể bé sau mình vẫn sẽ cho bé dùng vì thực sự nếu mình dùng tay để giữ con cho con nhún nhảy thì chỉ đúng 3 nhún là tay mình muốn rụng ra rồi.

Link mua hàng: Mattel Fisher-Price Rainforest Fun Jumpe Roo €120.80 

Tóm lại

Nuôi và chăm con mình nhận ra rằng không có bất cứ đồ chơi nào cần thiết đến mức bạn phải mua thì mới dạy bé phát triển thông minh hơn người được. Cũng không có bất cứ món đồ chơi nào làm bé thích thú bằng việc chơi với bố mẹ. Đơn giản như ngồi vẽ cùng nhau, chơi dọn thùng rác, đọc truyện tranh, lau nhà, leo cầu thang v…v… Có những thứ mà không cần phải mua bạn vẫn dạy được con bạn đủ thứ trên đời này.

Hãy cho con hoạt động khám phá quanh nhà, leo cầu thang, tụt xuống cầu thang, nghịch thùng rác, lau dọn nhà cửa, hút bụi nhà, đập các đồ vật gây ra tiếng động, hét to cùng nhau v…v… Đừng cố gắng bắt con bạn ngồi một chỗ và nghịch những món đồ nhàm chán và nghĩ rằng như thế là một em bé ngoan. Em bé hiếu động thích khám phá đủ thứ, ngã vô số lần không phải hư. Hãy để con bạn tự chơi theo cách riêng của con bạn.

Khi bé lớn hơn một chút, chúng ta sẽ dạy bé cách nói với từ KHÔNG: không được nghịch vào đồ của người khác, đây là đồ của con, đây là đồ của mẹ sau. Còn dưới 1 tuổi, hãy cho phép bé được hư, được tò mò với những đồ vật xung quanh bé.

Điều quan trọng là cần có người quan sát bé, cần có người giúp khi con bạn cầu cứu, đừng bỏ mặc một đứa trẻ dưới 1 tuổi chơi một mình. Khi nào bạn cần thời gian dọn dẹp nhà cửa, hãy để bé ngồi vào ghế có thắt dây an toàn, cho bé xem quá trình bạn dọn dẹp, dần dần bé sẽ hình thành khái niệm cần ngồi đợi mẹ làm một việc gì đó, xong mẹ sẽ chơi cùng.

Mình để bé chơi quanh nhà, giới thiệu cho bé đây là máy hút bụi, đây là cầu thang, đây là thảm, đây là nước v…v tất tần tật những thứ bé động vào. Nói đi nói lại hàng ngày, hàng giờ đến phát chán. Điều cần thiết nếu bạn muốn an toàn khi bé bò quanh nhà thì có thể mua đồ bảo vệ đầu cho bé.

Link mua hàng : Baby Headrest Pillow to Protect Against Fall

Sau này khi bé trên 1 tuổi, bé sẽ đi nhà trẻ, lúc này chúng ta có thể bàn bạc nói chuyện với cô giáo của bé về cách chơi với bé như thế nào, đồ gì cần thiết cho bé khi bé chơi cùng bố mẹ sau v..v

Bé dưới 1 tuổi, hãy dành nhiều thời gian nhất có thể để chơi cùng bé nhé.