Thống nhất cách nuôi và chăm con với đối tác – CHỒNG
Điều quan trọng nhất giữ gìn hạnh phúc gia đình sau khi có con đó là sự thống nhất, nhất quán với nhau về cách chăm và nuôi dạy con cái.
Ngày đầu tiên từ viện về nhà, mình gọi điện thông báo với gia đình hai bên họ hàng. (Hồi đó mình ở trong viện một mình nên chồng mình chẳng biết mình vất vả ra sao, tham hỏi y tá chỉ dạy như thế nào ?). Mình vẫn nhớ mãi, lúc gọi điện về bị bố mẹ mình mắng về vấn đề bế em bé của mình. Ngay sau khi cho em bé ăn xong, mình đã bế vác em bé cho em bé dựa vào ngực mình để vỗ ợ cho con. Sau khi vỗ ợ mình đã cho bé nằm úp để tập tummy time từ 5,6 ngày tuổi khi con còn rất non.
Mình nghe mắng thì cũng ừ ừ cạc cạc cho qua vì nghĩ thôi tranh cãi với người già mệt mỏi lắm, mà ở xa mình làm gì cũng đếch biết đâu nên kệ nhưng mà chồng mình đã không bảo vệ vợ còn đế thêm câu :” Nghe mẹ nói cũng sợ, nhìn cũng ghê ghê nên vợ đừng làm thế nữa”
Trong đầu mình nghĩ :” OK ! Bà sẽ gim câu này để đay nghiến đến cuối cuộc đời, dám không tin bà à. ”
Đến giờ chồng mình vẫn nói đùa là : ” Nhìn mặt em cũng không đến nỗi nào mà em thù dai thế ” vì ngay sau đó thì mình khuyên chồng mình nên tìm hiểu các cách vỗ ợ hơi cho bé và tại sao phải vỗ ợ hơi thì chồng mình quay sang nói với vợ rằng :” Đúng là ai cũng dạy cách vỗ ợ giống như của vợ đấy.”
Mình nghĩ rằng con cái là của chung, nó không phải là con của riêng mình, họ của nó khi sinh ra còn chẳng phải họ của mình, vì vậy tại sao trách nhiệm chăm nuôi con lại chỉ có một mình mình phải tìm hiểu, một mình mình phải chống chọi với ý kiến ý cò của bao nhiêu người khác ?
Mình nói với chồng mình rằng :” Em gọi anh là ANH, tức là em nghĩ anh lớn tuổi hơn em và phải giỏi thông minh hơn em. Nếu em thấy anh không xứng đáng với từ anh nữa thì mình gọi nhau là hiếu và huyền đi. Em muốn anh phải tìm hiểu thông tin nào đúng nào sai rõ ràng chứ không phải nghe từ miệng thiên hạ để nói em. Nếu anh không tìm hiểu cách nuôi con sao cho đúng, mà em ngu muội có làm sai thì cũng đừng trách em, mà hãy tự trách bản thân mình đã làm một người bố tốt hay chưa? Em thích chúng mình cùng bàn bạc nhau nên làm điều ấy cho con chúng mình không ? Tại sao anh nghĩ điều đó là đúng , hay anh nghĩ tại sao nó không đúng. Em cần người ủng hộ em. Nếu sau này có ai đó, kể cả bố mẹ có nói em là chăm con thế này thế kia, thì anh phải là người bênh vực cho em. Là người đem những kiến thức mình tìm hiểu được mà nói cho bố mẹ hiểu để bảo vệ em. Việc đơn giản như thế anh không làm được thì em sẽ không gọi anh là ANH nữa đâu.”
Chồng mình rất hay chăm con, cho con ăn, chơi với con, cho con ngủ, thay bỉm tã và kiêm luôn việc chăm vợ, nấu ăn v..v Nhưng tuyệt nhiên mình không nghĩ đó là phụ vợ. Nó đâu phải là công việc của riêng mình mà nói là phụ mình được, việc chung thì cùng phải làm chứ. Mình nghĩ đó là trách nghiệm và quyền lợi của chồng mà. Nhìn thấy chồng mình như thế nên mình cũng cố gắng hơn để hoàn thiện bản thân.
Lâu lâu chăm con mệt, con khóc mình mặc kệ lên giường nằm và nói với chồng rằng :” em mệt rồi, con anh khóc đấy anh chăm con đi nhé ”
Cũng chính từ những việc mà người đời nghĩ rằng nhỏ nhặt đàn ông không cần làm đó đã giúp chồng mình hiểu con hơn, yêu nó hơn và thông cảm được cho vợ hơn. Biết được rằng nuôi con cũng vất vả chẳng kém gì. Vì chồng mình chăm con nên tất cả những mốc đi khám cho con, chồng đều muốn tham gia để chứng kiến được sự phát triển của con.
Mình cũng thường trêu chồng mình rằng : ”Anh cố gắng đi làm kiếm tiền để làm gì? Tiền để tiêu, để tích trữ cũng vì cái gia đình này. Nếu như không có em và con, anh đi làm rồi lại đi về hàng ngày như thế, tiền có kiếm ra mà chẳng có mục đích gì thì sống có ý nghĩa gì đâu. Anh có thấy mình hạnh phúc khi có người vợ như em suy nghĩ tiêu tiền dùm anh không ?”
Hãy để cho chồng làm đúng bổn phận của người chồng, là trụ cột gia đình tức là người phải giỏi hơn người vợ, khiến vợ nể phục và bảo vệ được thần dân dưới mái nhà của mình chứ.
Còn dân đen như mình thì làm gì, đó hẳn là một câu chuyện dài mình sẽ chia sẻ nếu có dịp nào đó.
Làm một người vợ tốt nhưng học hỏi suy nghĩ của một bà mẹ tồi
Lúc nào mình cũng nghĩ mình là một người mẹ không hoàn hảo hay đúng hơn là một người mẹ tồi nhưng mình chấp nhận điều đó.
Con sinh ra phải học cách hoà nhập với môi trường sống mới, bản năng sinh tồn của nó sẽ dậy nó phải đòi hỏi những gì để có thể sống. Một người mẹ như mình cũng phải chấp nhận thêm một trách nhiệm mới và học cách để làm mẹ.
Mẹ chồng mình bị ám ảnh về chiều cao, mẹ có thể buồn nếu như cháu không cao. Mình nhận ra rằng, mẹ hy sinh rất nhiều để mang lại những điều tốt nhất cho con cái. Vì muốn con thông minh mẹ sẽ ăn cái này, vì muốn con ngoan mẹ sẽ làm những điều này. Hay như những bà mẹ tốt khác, vì để có nhiều sữa cho con mẹ sẽ thức đêm để hút sữa cho con, vì muốn con thành đạt mẹ cho con học ở ngôi trường này mặc dù kinh tế không đủ. Hy sinh và hy sinh, nhưng khi con cái không đáp ứng đúng sự hy sinh đó, muốn con thông minh nhưng không thấy con thông minh bằng con nhà người khác, muốn con ngoan nhưng lại thấy con sao không nghe lời như con nhà người khác. Thế rồi tự buồn, tự thất vọng, tự hỏi sao mình hy sinh vậy mà con nó không được như con nhà người ta. Ơ kìa các mẹ, AI KHIẾN CÁC MẸ PHẢI HY SINH ? CON NÓ CŨNG CÓ YÊU CẦU CÁC MẸ PHẢI HY SINH ĐÂU ?
Tại sao mình phải làm cái điều này điều kia vì con? Tất nhiên mình sinh ra con thì mình có trách nhiệm nuôi và chăm con nhưng tuyệt nhiên không có nghĩa rằng mình phải hy sinh điều gì cả. Mình sẽ không dậy ban đêm hút sữa cho con nếu mình cảm thấy mệt, mình đã phải chăm nó cả ngày rồi , mình cần nghỉ ngơi. Mình sẽ cho con ti bình nếu mình thấy nó làm đau ti mình. Mình sẽ cho con uống sữa công thức nếu thấy sữa của mình ít mà không nghĩ sẽ phải cố gắng bơm hút gì cả. Mình sẽ ăn những món ăn mình thích chứ không ép bản thân nuốt những thứ mà mình không thích chỉ vì con tốt sữa. Mình sẽ cho con dùng những thứ tốt nhất trong khả năng có thể nhưng không có nghĩa mình sẽ nhịn ăn nhịn đói để mua cho con những gì tốt nhất. Con có thể dùng những đồ bình thường và mẹ vẫn có đủ tiền ăn tiền mặc.( Xin lỗi con yêu, tiền của mẹ nên mẹ có quyền được hưởng, sau này con lớn con kiếm được tiền con có thể nâng cấp môi trường sống của con hơn )
Mức độ ngoan và thông minh phụ thuộc vào từng lứa tuổi. Đối với trẻ sơ sinh, khóc nhiều không phải là hư. Ai hỏi mình con có ngoan không, trong đầu mình nghĩ rằng nó có bao giờ hư đâu mà hỏi nó có ngoan không , trẻ sơ sinh không biết hư. Khóc là bản năng giao tiếp của nó mà. Nó đói nó khóc để báo ” Ê bà mẹ kia, anh đói, cho anh ăn đi ”, hay khi nó muốn đi ngủ nó sẽ khóc ” buông tôi ra, xin hãy buông tôi ra, tôi không thích đập vỗ vào người tôi, để tôi yên tôi muốn ngủ”. Nếu mà nó có thể nói được thay bằng tiếng khóc thì chắc ai cũng nghĩ nó ngoan nhỉ. Mình thường để con mình khóc rồi đứng nhìn một lúc xem nó muốn cái gì trước khi mình nhét vào miệng nó cái bình sữa hay cái ti giả để chặn họng nó lại hay vội vàng bế nó lên vỗ về. Giao tiếp bằng tiếng ồn ào bằng ngôn ngữ riêng là điều đầu tiên nó có thể làm được, hãy để con được quyền khóc !
Mình sẽ không so sánh con với bất cứ một sinh vật nào khác hay bất cứ một đứa con trời ơi đất hỡi nào khác ngoài kia. Con là chính con mà thôi, nó có thể bé, thấp lùn, không thông minh, lớn lên làm thợ sửa điện, thợ xây tuỳ nó. Mình không mong con phải là thiên tài, cũng không kỳ vọng nó phải giàu sang nuôi mình về già. Không con ạ, con không cần mới sinh ra đã phải gánh một sự kỳ vọng và trách nhiệm lớn đến vậy. Con có yêu cầu mẹ phải sinh ra con đâu, mẹ muốn sinh ra con đấy chứ. Mình chỉ muốn có một đứa con phát triển bình thường khoẻ mạnh theo tiêu chuẩn của bộ y tế. Con không bệnh tật gì, con biết nhận biết điều đúng sai, con biết yêu thương và con biết nuôi ước mơ của riêng mình.
Vì mình không so sánh con với ai và mình cũng hy vọng con không so sánh mình với bất cứ một người mẹ nào khác. Công bằng phải không?
Chăm con giống như một cuộc thí nghiệm
Chăm con giống như một cuộc thí nghiệm bởi sẽ không biết kết quả ra sao cho đến khi nó xảy đến. Có thể thành công và cũng có thể thất bại.
Thất bại là mẹ của thành công quả không sai chút nào. Từ những thí nghiệm thất bại mình có những bài học cho riêng bản thân mình và chăm con tốt hơn.
Từ lúc sinh ra em bé có một lịch sinh hoạt đơn giản dễ dàng, ăn no là ngủ. Đói tỉnh dậy khóc đòi ăn. Một vòng quẩn quanh xen kẽ những tiếng khóc ị đái và chẳng biết đâu là ban ngày đâu là ban đêm cần phải ngủ liền một mạch cả.
Vì vậy, ban đầu ta phải dạy con phân biệt đâu là ban ngày để chơi và đâu là ban đêm để ngủ. Nhưng phải làm sao để con phân biệt được điều đó. Đó là lập cho con một nếp sinh hoạt rõ ràng. Mình đọc cuốn sách ”nuôi con không phải cuộc chiến” nhưng mình thấy mỗi một đứa trẻ là một cá thể riêng biệt không đứa nào giống đứa nào cả. Vì thế mình có những cách riêng để chăm con mình dựa và tôn trọng nhu cầu của con mình.
- Điều đầu tiên là mình nắm rõ được độ tuổi từng tháng, một đứa trẻ sẽ ngủ một ngày trung bình bao nhiêu tiếng là đủ, một ngày ăn bao nhiêu sữa là đủ, một ngày ị tè bao nhiêu lần là đủ, một ngày thức tối đa bao nhiêu giờ là đủ.
Đứa trẻ 1 tháng đến 4 tháng tuổi một ngày nên ngủ khoảng 16 – 21 tiếng. Vậy mình cần chia thời gian ngủ đó ra trong 1 ngày làm sao để hợp lý, xen kẽ các bữa ăn cho con đủ chất và cho con biết phân biệt đâu là thời gian ban ngày đâu là thời gian ban đêm.
Tức là ban ngày mình sẽ cho con ngủ tổng khoảng 6-7 tiếng , ban đêm cho con ngủ khoảng 11-12 tiếng. Vậy ban ngày chia đều 6-7 tiếng ý ra cách nhau để con vừa ngủ, vừa ăn, chơi đủ và cũng để con biết đây là ban ngày, con có thể thức chơi, ăn nhiều. Con tiếp đủ năng lượng tích trữ để ban đêm con ngủ những giấc dài hơn mà không cần phải dậy ăn nhiều lần. Mục đích cho con có một nếp sinh hoạt để con có một chất lượng ngủ ban đêm trọn vẹn.
Ban ngày, thời gian thứ giấc sớm nhất của con là 6h sáng và thức muộn nhất của con sẽ là 7h30 sáng. Tức là nếu con dậy trước 6h hãy cứ để con ở trong môi trường ngủ, cho con ti giả để con có thể ngủ lại tiếp, hoặc con thích thì con thức chơi trong môi trường ngủ. (Không bế con lên) Ngược lại, nếu đến 7h30 con vẫn chưa thức dậy thì hãy đánh thức con dậy, mở rèm sáng đón ánh nắng, bật nhạc ồn ào đón chào ngày mới.
- Lịch sinh hoạt như thế nào là chuẩn ?
Chẳng có lịch nào gọi là lịch chuẩn cả. Con có phải là robot đâu. Điều cần phải hiểu là làm sao để tách bạch được việc ăn ngủ của con ra vào ban ngày.
Tức là sau khi ăn xong con sẽ được thức và chơi rồi mới đi ngủ. Chứ không phải là ăn no xong cái mắt nhíp lại đi ngủ luôn hoặc vừa ăn vừa ngủ.
Nhưng một đứa trẻ 2, 3 tuần tuổi thì không thể thức ăn chơi 1 tiếng như trong sách nổi đâu. Mãi phải đến 4 tuần tuổi thì bé mới có khả năng thức ăn chơi 1 tiếng và ngủ 2 tiếng như trong sách được. Vì vậy nếu rèn con sớm thì cũng phải hiểu con nữa.
Mình cho con ăn no bằng cách quan sát con. Mỗi đứa trẻ sẽ có biểu hiện ăn no khác nhau, con mình sau khi ăn no là nó thổi bong bóng và lấy tay đẩy bình ra 🙂 Mình cho bé ăn khoảng 30-40 phút. Con mình mút khoẻ nhanh vào khoảng 15 phút đầu, sau đó bé mút hờ hững nhưng mình vẫn kiên nhẫn cho con ti . Đến khi con vặn vẹo khó chịu, mình bỏ ti ra và vỗ ợ hơi cho con. (Vỗ ợ hơi cần con thức thì hơi nó mới ra nhé, con mà ngủ thì có vỗ 9000 cái con cũng không có ợ ra hơi nào đâu). Nếu con ợ hơi xong mà thoải mái dễ chịu lại mình lại kiên nhẫn mời ti tiếp, con ti tiếp thì mình cho ti tiếp còn nếu con không ti mím chặt môi thì xin lỗi anh thanh niên, lúc đó ti mới được 80ml đi chăng nữa mình cũng không ép ti thêm. ( Bình thường bé ăn được 120ml đến 140ml mỗi cữ ).
Sau đó mình thay bỉm, chơi với con. Nó bé thế thì chơi cái gì ? Nhiều trò lắm các bạn ạ. Mình xoa bóp chân cho bé, cho bé tập thể dục bằng các động tác cơ bản như đạp xe đạp, vặn người nhẹ nhàng, nói chuyện với con và cho con tập tummy time.
Dưới đây là video chơi và tập cho bé khi bé thức mà mình hay làm theo thời điểm hiện tại.
Còn khi con bé 2 tuần thì mình hay cho con tập giống như video dưới đây.
Ban đầu tiên sau khi ăn xong, con chỉ thức được tầm 5 phút là đã buồn ngủ rồi. Dần dần mình kéo con thức được 10 phút, 15 phút sau khi bé ăn xong.
Mình không có ép bé phải thức dài, nhưng ép bé phải thức đủ trong thời gian nhất định để bé quen dần. Khi bé thức mình cũng chú ý đến các dấu hiệu con buồn ngủ. Như bé nhà mình sau khi chơi mà có dấu hiệu như : ngáp, mắt nhìn thờ ơ , nấc cụt là mình biết bé muốn đi ngủ.
Khi có dấu hiệu buồn ngủ thì mình sẽ cho con đi ngủ ngay.
Lịch sinh hoạt cứ như vậy lặp đi lặp lại cho đến 6h thì mình bắt đầu chuẩn bị cho con vào giấc ngủ dài ban đêm.
Hiện tại bây giờ mình đang kéo bé thức hơn 1 tiếng hoặc 1 tiếng 15 phút ăn và chơi với mẹ để con quen dần chứ không có đùng cái nhảy luôn lên lịch easy 3.5 mới.
Kimi từ tuần thứ 3 đến hiện tại đã theo lịch easy 3 rất chuẩn giờ. Cứ 3 tiếng một lần là ăn. Thức đúng 1 tiếng ăn và chơi, 2 tiếng ngủ. Ban ngày ngủ đủ 7 tiếng. 1 ngày con ăn khoảng 700ml sữa đến 900ml một ngày.
Giấc ban đêm bắt đầu từ 7h hoặc 7h30 là con bắt đầu đi ngủ. Kimi ngủ một mạch cho đến 11h hoặc 11h30 đêm con ọ oẹ tỉnh ăn. Con ăn xong sẽ ngủ đến 2h30 hoặc 3 giờ sáng ăn bữa tiếp theo rồi ngủ thẳng đến 7h sáng.
Tóm lại:
- Quan điểm muốn con ngủ ngon vào ban đêm là cho bé chơi thức càng lâu ban ngày càng tốt là sai lầm. Bé chơi thức quá lâu ban ngày sẽ dẫn đến mệt mỏi quá độ thì ban đêm bé sẽ rất cáu gắt và ngủ không được sâu. Cần theo dõi lượng thời gian ngủ 1 ngày theo từng tháng tuổi là bao nhiêu là đủ rồi chia và phân bổ hợp lý giữa ban ngày và ban đêm.
- Không có món đồ chơi nào tốt hơn người bố người mẹ. Thay vì để mặc kệ con nằm thức một mình chơi thì bố mẹ nên dành thời gian nói chuyện và chơi cùng con.
- Lặp đi lặp lại lịch sinh hoạt hàng ngày như vậy thì sau đó luyện tự ngủ cho con rất dễ và đơn giản. Cứ đúng đến cái giờ đi ngủ là tự con sẽ buồn ngủ và muốn được đi ngủ mẹ không cần phải hỗ trợ hay phải bế đung đưa làm gì cả. Đến giờ đó, chỉ cần đặt con vào cũi ngủ của con, đắp chăn cùng ti giả. Con còn thức cũng sẽ nằm im nhìn ngắm trần nhà tầm 5-10 phút là tự ngủ thôi.
- Ti giả – nên hay không nên dùng ?
Mình hoàn toàn đồng ý với việc cho bé dùng ti giả. Thật sự thì nếu không có ti giả rất rất khó luyện con tự ngủ khi em bé còn bé giống con mình. Nếu bé không hợp tác với ti giả thì mình cũng chẳng biết luyện ngủ cho con như thế nào ngoài để con tự khóc rồi mệt là bé ngủ cả. Mà em bé bé quá để con khóc lâu không phải là phương án hay. ( theo mình là vậy)
Ti giả giúp bé thoả mãn bản năng mút mát và làm bé bình tĩnh tự trấn an bản thân và có thể tự đưa bản thân vào giấc ngủ của mình.
Kimi cần ti giả để ngủ nhưng con lại không ngậm ti giả suốt thời gian con ngủ. Kimi ngậm ti giả tự đưa mình vào giấc ngủ khoảng 15 phút thì con tự phụt ti ra. Sau đó con sẽ ngủ được thêm tầm 3 hoặc 5 phút thì con giật mình mút mát nhưng lúc đó nếu không còn ti giả ở miệng, mắt con vẫn nhắm và ọ oẹ, vặn vẹo khó chịu. Lúc này tiếng khóc của con sẽ không mạnh mà rên rỉ ê a. Mình mặc kệ con ê a một lúc thì con tự ngủ lại được. Chỉ khi nào con bị tỉnh hẳn, khóc rất to thì mình mới hỗ trợ ti giả lại cho con để con trấn an và ngủ lại thôi.
Có người nói với mình rằng cho con dùng ti giả con nghiện thì sao ? Giờ có câu :” Người mà anh yêu thương anh còn bỏ được , TI GIẢ đã là gì ? ” haha
Kimi 6 tuần tuổi
Bây giờ con vẫn còn quá bé, hành trình thí nghiệm nuôi con của bà mẹ phù thuỷ này vẫn còn rất dài ở phía trước. Nhưng 6 tuần vừa qua chúng ta bên nhau và hợp tác với nhau rất ăn ý. Con ăn ngủ tốt, bố mẹ thì vẫn có thời gian dành cho nhau.
Cảm ơn Kimi vì đã cho mẹ thấy rằng nuôi con cũng là một hành trình đầy thú vị nhé.
6 tuần sau mẹ sẽ update xem con có gì thay đổi không nhé !