Ngày 2 :

Sau khi đẻ xong thì không được về nhà luôn mà phải nằm viện để theo dõi kiểm tra sức khoẻ của em bé.

Bình thường thì cũng không sao nhưng đẻ đúng vào mùa dịch thì thật sự kinh khủng khi phải nằm trong bệnh viện một mình mà không có chồng bên cạnh.

Đêm thứ 2 ở viện là mệt mỏi nhất, bởi tính ra đây là đêm đầu tiên sau khi sinh. Khi thuốc giảm đau đã tan cộng thêm mất máu nhiều sau sinh nên mình rất chóng mặt. Mỗi lần tự đứng lên để đi vào nhà vệ sinh đau đến mức vừa đi mà nước mắt tự rơi luôn.

Mình không biết ở bệnh viện các y tá bác sỹ có chủ đích gì khi em bé sinh ra mà không cho ăn ngay. Có thể các y bác sỹ muốn em bé bú sữa mẹ và kích sữa cho mẹ nên không cho bé ti bình. Mình thì không có sữa nên bé nhà mình từ lúc sinh ra bị nhịn đói tầm 10 tiếng. Đến khi em bé hạ đường huyết còn 3.6 mới bắt đầu cho bé ăn ngoài.

Ở bệnh viện có sữa mẹ khác nên mình cho bé ti sữa mẹ khác. Mình phải 3 ngày sau sữa mới về. Đêm đầu tiên với em bé hầu như mình không chợp mắt được một giây nào. Nghĩ lại vẫn thấy kinh khủng mà không hiểu sao vượt qua được luôn. Lần sau mà có đi đẻ mình sẽ thủ vài hộp sữa sẵn mang đi cho bớt cực.

Những lúc con đói, con khóc, mẹ đau không đứng dậy được, mình chưa bao giờ cảm thấy bất lực đến vậy.

Em bé đói nên khóc rất nhiều vào ngày đầu tiên, mà mỗi lần khóc mình đều phải gọi midwife vào hỗ trợ. Nhưng nếu nhu cầu là ăn thì các y tá đều nói rằng :” Mày cho con mày tập ti mẹ đi”( Lúc đó muốn chửi lộn lắm luôn nhưng mà mệt và đau quá cũng chẳng có sức chửi, cứ bảo mày cho con mày ti đi trong khi đó ti mình không có một giọt sữa nào luôn) – Và suốt khoảng thời gian nằm nghỉ thì cái ti của mình chuyển thành công cụ như một chiếc ti giả. Tức là tuy không có sữa nhưng em bé sẽ mút, nhằn, gắt nghiến cả ngày lẫn đêm ( Vì nó đói mà). Nói là nghỉ ngơi nhưng thực chất là bạn sẽ chẳng thể ngủ nổi.

Hậu quả là sáng hôm sau, đau dưới đau trên thêm kiệt sức mệt mỏi. Ti của mình bật máu, và em bé mút cả máu của mình be bét ở miệng. Đây là hình ảnh ám ảnh nhất có lẽ đến cuối đời mình cũng không quên được. Và cũng chính là lý do tại sao mình cho bé ti bình ngay từ ngày hôm sau luôn.

Ở viện như một cuộc hành xác chính hiệu. Nhưng thay vì than phiền thì mình luôn cố gắng tìm ra những ưu điểm và tự nghĩ ra lý do tại sao y bác sỹ làm như vậy để tự trấn an, tự an ủi, tự khiến bản thân vui và cố gắng hơn. Lúc nào trong đầu mình cũng luôn thường trực câu nói :” Cố lên bông ơi, mọi chuyện rồi cũng sẽ qua !”

Ngay từ hôm đầu tiên mình đã biết cách cho bé ti đúng khớp ngậm, bé nhà mình đói nên ti cực khoẻ.

Mình hỏi midwife tại sao lại không cho em bé ăn ngoài trong khi mày biết tao không có sữa mà ? Thì mình nhận được câu trả lời rằng :” Bọn tao kiểm tra lượng đường của em bé vẫn ở mức trên 5, thì nó vẫn khoẻ không sao cả. Nếu bây giờ cho em bé ti bình luôn thì nó không học được cách ti mẹ. Nó cần học cách ti và mày thì cần phải học cách cho con ti đúng khớp. Ngoài ra, kích sữa mau về nhất chỉ có cách duy nhất là con ti mẹ trực tiếp thôi. Hãy cố gắng cho con da tiếp da càng nhiều càng tốt nhé

Ngày 3 :

Ngay ngày hôm sau, thì midwife đã yêu cầu mình hãy cố gắng đi lại nhẹ nhàng. Tự đứng dậy đi ra ngoài lấy đồ ăn.

Sau khi hạ đường huyết gần như lịm đi thì em bé đã được ti sữa ngoài. Tuy nhiên bởi vì lần đầu làm mẹ, mình không hiểu được tiếng khóc của con. Mình ôm con hầu như cả ngày, đôi khi bận chăm con còn chẳng có thời gian mà ra lấy đồ ăn. Chính vì vậy mà nhiều khi mình cũng bị nhịn đói vì quá giờ ăn của viện.

Nhưng dù có gần như kiệt sức thì cũng chưa một giây nào người nhà gọi điện mình than phiền cả, lúc nào cũng nói con ổn, con vẫn khoẻ không sao cả. Ai cũng hỏi mình đã có sữa chưa, sữa đã về chưa?…Mình thấy mình là một bà mẹ tồi tệ nhất thế gian vì mình vẫn chẳng có một giọt sữa nào cho con mình cả 🙂

Ngày 4 :

Một vòng luẩn quẩn, cho ăn, ngủ ngắn 40 phút dậy khóc đòi ăn. Mình loay hoay với con một mình khiến cho mình càng quyết tâm hơn với suy nghĩ :” Nếu không rèn con sớm, thì có thể mình sẽ chết trước con mình mất” , ” Sẽ chẳng ai phụ mình cả, mình chỉ có một mình thôi, nếu mình không cố gắng thì con mình sẽ để ai chăm đây ” v..v

Mình bắt đầu tự thay bỉm, tự rửa đít cho con, tự học cách vỗ ợ hơi, học cách tắm vệ sinh cho bé, học cách vệ sinh rốn, học cách bình tĩnh để con khóc, học cách nằm nghe tiếng khóc của con v..v mà không muốn dựa vào midwife nữa.

Cũng may là khi mình nằm viện thì mình gặp được chị midwife rất có tâm, ở cạnh mình chỉ dạy cho mình từng chút một, lâu lâu còn vào ngồi tâm sự với nhau chuyện con cái.

Chính chị đó đã giúp mình cảm giác rất tự tin vào bản thân, tự tin rằng mình là một người mẹ tốt. Mà nếu không tốt cũng chẳng sao cả. Con cũng cần học cách hoà nhập với môi trường mới và người mẹ cũng học cách tiếp nhận thêm một nhiệm vụ làm mẹ mới. Cái gì mới sẽ chẳng có gì hoàn hảo ngay từ phút đầu cả. Cả 2 đều phải học, trưởng thành cùng nhau.

Mình bắt đầu tha thứ cho tất cả những lúc mình để bé nằm khóc một mình, mình tha thứ cho bản thân vì những khi mình đối xử không tốt với bé như những người mẹ hoàn hảo khác. Tha thứ cho những phút suy nghĩ ước gì bé chưa hề tồn tại trong cuộc đời mình.

Mãi đến ngày thứ 4, sau bao đêm cho con nhằn ti thì mình mới bắt đầu có chút sữa.

Ngày 5 :

Mình muốn về nhà lắm rồi nhưng vì bác sỹ khám em bé có dấu hiệu vàng da, nên mình lại phải ở lại thêm một đêm nữa.

Mình bị tiểu đường thai kỳ, em bé bị chích máu theo dõi liên tục. Thêm vụ vàng da nữa nên em bé ngày nào cũng bị rạch chân xin tí huyết. Bé bị rạch chân nhiều đến mức mà gót chân chi chít là vết rạch. Nhìn đến tội luôn.

Có lẽ sinh ra đã bị bỏ đói, và hàng ngày trích máu luyện thần công nên em bé nhà mình lúc nào cũng háu ăn, ăn như đứa bị bỏ đói lâu năm. Giờ đi tiêm vaccin hay như nào thì é é lên tý lại thôi. Kiểu đau thương không làm anh nhùn bước ý.

Nói về bệnh viện nơi mình nghỉ đẻ thì tuyệt vời lắm. Bác sỹ và midwife rất tận tình, trang thiết bị thì không chê vào đâu được. Mình đi đẻ có mang cái gì đi đâu ngoài tấm thân hết trinh trắng. Quần áo cho bé, cho mẹ, tất tần tật đồ cá nhân từ bỉm, băng vệ sinh đến đồ ăn hàng ngày, thuốc thang giảm đau các kiểu đều đủ đầy cả.

Ôi nhưng mà lúc đẻ xong ý, chẳng có tâm trạng gì cho những điều ấy cả ngoài cách làm sao để được về nhà thôi.

Đêm ở viện, ngoài thú vui cho con trai nhằn ti làm trò tiêu khiển thì mình bắt đầu đọc và tìm hiểu cách chăm con. Làm sao để hiểu được tiếng khóc của con, làm sao để biết con muốn gì và đáp ứng nhu cầu của nó. Làm sao để con ngủ ngoan ăn tốt, và làm sao để mình có thể nằm ngủ ôm chồng mình chứ không phải ôm con hàng đêm như thế này.

Mình bắt đầu luyện nếp sinh hoạt cho em bé từ ngày này. Trộm vía em bé khá hợp tác và theo lịch rất mượt. Mình nom cũng khoẻ hơn những ngày trước.

Ngày 6 :

Được thông báo đã được về nhà khiến mình vui hơn tết. Tắm rửa gội đầu sạch sẽ ngồi chơi với con đợi chồng đón về. Ra viện mà như cảnh vừa ra tù ý. Nhìn thấy lá cây rung rinh ánh nắng ngập tràn, đã thế chồng còn mang hoa đến tặng hai mẹ con nữa chứ.

Về đến nhà, tuy vẫn đau nhưng mình đã được ăn những món quen thuộc, nằm trên chiếc giường êm ái của mình. Ở viện có 1 tuần thôi mà khiến mình thấy yêu nhà mình nhiều hơn thế mới lạ. Có nhà để về tuyệt vời thật .

Kết :

Những kinh nghiệm tóm lược được :

  1. Sau này đi đẻ mà chồng không được ở cạnh thì nhất quyết xin về nhà sớm, không có ở viện lâu đâu chán đời ặt ẹo lắm. Không cho về trốn cmn về đấy. haha
  2. Thủ ti giả, sữa một ít vì xác định con nó ăn cái gì thì nó cũng lớn được thôi. Đừng áp lực sữa mẹ với sữa công thức làm gì cho mệt. Mệt cả mẹ lẫn mệt cả đứa con. Nó khóc vì đói còn mẹ không nghỉ được vì kiệt quệ sức lực kích sữa. Đừng biến ti mình thành ti giả để con nó lấy làm thú vui tao nhã chơi qua ngày đoạn tháng 🙂
  3. Ngoài gọi cho chồng thì tốt nhất không thông báo và cũng không nên gọi cho ai khác nữa, bởi nghe các bà các mẹ nói chuyện dễ đột tử sau sinh stress nhiều hơn.
  4. Đi đẻ ở Phần Lan không cần chuẩn bị quần áo bỉm biếc làm gì vì ở viện đồ rất hịn. Tuy nhiên hãy thủ vài món ăn hộp để sẵn, hay bánh kẹo gì đó để nếu mà có nhỡ giờ ăn thì vẫn có cái gì đút vào miệng. Không vừa đau vừa đói là dễ tủi thân nghĩ quẩn hình dung cuộc đời cô bé bán diêm giống mình lắm. ( Nhỡ giờ ăn ở viện thì vẫn sẽ có bánh mỳ, bơ sữa đồ uống thôi, tuy nhiên mình ghét bánh mỳ đen ở bên này lắm. Mình chẳng khoái món bánh mỳ chút gì )

Hôm trước mình vừa được gởi hoá đơn về nhà, chi phí nghỉ ở viện 5 ngày tổng hết khoảng gần 250 euro. Chi phí sinh đẻ không mất tiền, chỉ mất tiền chi phí nghỉ ở viện sau sinh thôi. Bình thường người khoẻ mạnh không bị băng huyết, không tiểu đường, em bé khoẻ thì nghỉ 2 ngày là về rồi. Số mình đen nên nghỉ hẳn 5,6 ngày mới được tại ngoại ý :)) Ở lâu nhất cái viện luôn, đến mức quen hầu hết các midwife trong viện.