Tiếp theo phần 1 trước thì hôm nay mình sẽ viết tiếp về chủ đề trải nghiệm của bản thân khi mua nhà ở Phần Lan.
Trước khi vào chủ đề chính thì mình cũng có đôi lời trước. Gia đình của mình bên này chỉ có chồng mình lao động có công việc còn mình thì vẫn ở nhà và trong chế độ hội nhập xã hội thôi. Vì thế tất cả các loại giấy tờ hay chính xác các bước vay tiền ngân hàng để mua như thế nào mình không phải là người trực tiếp được trải nghiệm nó. Hy vọng trong tương lai nếu có công việc ổn định thì mình cũng sẽ được trải qua quá trình này và sở hữu một ngôi nhà riêng chả hạn 🙂
Chọn ngân hàng và vay tiền từ ngân hàng
Với độ tuổi còn trẻ, sinh sống ở nước ngoài không có bất kỳ hỗ trợ nào từ phía gia đình thì việc mua nhà hầu hết đều phải vay tiền từ ngân hàng nhé. Vì vậy nếu ai đang sống ở nước ngoài mà có khoe với bạn rằng bọn tao mới mua nhà đấy thì các bạn cũng không cần phải vội ngưỡng mộ làm gì hết. Đằng sau đó là cả một khoản nợ khổng lồ luôn đó ạ 🙂
Nhưng tại sao biết là nợ mà bọn mình vẫn muốn nợ để mua nhà là bởi vì chúng mình quyết định sinh sống lâu dài và muốn con cái lớn lên ở đây. Người ta có câu an cư lập nghiệp, ngôi nhà theo suy nghĩ của người Á Đông vẫn là một cái gì đó rất thiêng liêng của những cặp vợ chồng mới muốn tự lập cuộc sống riêng. Với riêng mình thì thay vì hàng tháng chúng mình phải đi thuê nhà cũng trả một con số gần tương tự như trả tiền hàng tháng cho ngân hàng, cuối cùng thuê nhà thì không sở hữu được gì cả còn sau khi trả tiền hàng tháng cho ngân hàng cuối cùng chúng mình được căn nhà. Koi như đây là một cuộc trả góp đi vậy, tuy nhiên áp lực về việc duy trì phí sống và trả nợ hàng tháng là một gánh nặng rất lớn cho một người đàn ông đấy.
Các ngân hàng ở Phần Lan có ngân hàng hỗ trợ tiếng anh nhưng cũng có ngân hàng không hỗ trợ. Các điều khoản về cơ bản của các ngân hàng giống nhau như việc yêu cầu bạn trả ít nhất trước 15% giá trị tiền mua nhà, còn lại ngân hàng sẽ cho vay dựa trên đánh giá thu nhập cá nhân của từng người và thời gian trả tối đa khoảng 25 năm.
Tuy nhiên điều mình thấy đáng chú ý của hầu hết những người đi vay tiền ngân hàng đó là % tiền lãi mà ngân hàng tính với mình. Mỗi một ngân hàng có % lãi khác nhau. Và lựa chọn ngân hàng nào thì kinh nghiệm của bọn mình là phải đặt hẹn trực tiếp với các ngân hàng bạn có thể vay, tất cả các ngân hàng bạn biết rồi so sánh tham khảo. Ở Phần Lan có 2 loại lãi, đó là lãi % của ngân hàng đưa ra cộng với lãi % luật của toàn Châu Âu nữa. Thường thì các ngân hàng sẽ nói mức lãi % của ngân hàng bạn phải trả là bao nhiêu nhưng bạn cũng có thể giảm mức % ấy xuống nếu biết cách nói chuyện.
Tất cả những điều khoản của ngân hàng bạn đều phải đọc thật kỹ càng trước khi ký tên vào bất cứ một loại giấy tờ nào.
Thông thường bạn đi xem nhà, chọn được căn nhà ưng ý rồi. Bạn đến ngân hàng vay tiền và đưa cho họ biết lý do bạn vay tiền để mua ngôi nhà này. Thì họ sẽ có chuyên gia đánh giá công việc của bạn có ổn định không, sau khi trừ các chi phí sinh hoạt chi tiêu hàng tháng của bạn được thống kê trên dữ liệu thì lượng tiền còn lại có đủ để chi trả khoản nợ hay không? Họ sẽ đánh giá mức độ ổn định công việc của bạn mà sẽ đưa ra giới hạn tiền họ có thể cho bạn vay. Nó có đủ với số tiền bạn chọn căn nhà ấy không thì lại là việc khác. Nếu bạn trả 15% giá trị nhà nhưng cần vay 250.000 euro mới đủ để mua nhà, mà họ chỉ có thể cho vay 100.000 euro thì bạn cũng không thể mua nhà được. Việc chọn một căn nhà như ý và việc ngân hàng có cho vay đủ số tiền để mua nhà như bạn mong muốn hay không đều quyết định ở bảng lương, hợp đồng lao động, và sự ổn định thu nhập kinh tế của bạn.
Nói chung nếu công việc và thu nhập ổn định thì vấn đề vay tiền không phải khó khăn, điều cần quan tâm là lựa chọn ngân hàng nào có những ưu đãi tốt nhất mà thôi. Mình có nghe nói ai mà đi làm vào công đoàn ở Phần Lan, công đoàn đó có liên kết với ngân hàng thì khi bạn vay tiền ở ngân hàng đó để mua nhà sẽ được giảm hoặc miễn phí tạo tài khoản. Thông thường phí mở tài khoản vay cũng ngót khoảng 500 euro đó ạ.
Giao dịch và nhận nhà
Đến bước này thì việc sở hữu căn nhà của riêng bạn nhanh như một tia chớp luôn ấy ạ. Người môi giới sẽ chuẩn bị hết tất cả các giấy tờ liên quan đến ngôi nhà, những giấy tờ mà ngân hàng yêu cầu. Ngân hàng của bạn cũng sẽ có nhân viên chuẩn bị tất cả các giấy tờ bạn cần ký, tạo tài khoản mọi thủ tục mà bạn chẳng cần phải làm gì cả. Sẽ có một cuộc hẹn diễn ra giữa người môi giới, chủ bán nhà (à đấy, đến bước này mới được gặp chủ nhà), bạn và nhân viên ngân hàng. Diễn ra tầm nửa tiếng ký toẹt cái xong.
Mang tiếng là vay tiền nhưng một đồng tiền mặt mũi nó ra sao cũng không được nhìn :)) Tất cả đều được giải quyết nhanh gọn lẹ trên giấy tờ.
Và sau khi ký toẹt cái thì bạn có thể cầm chìa khóa, tất cả các giấy tờ thông tin của nhà ngoài trừ giấy sở hữu nhà. Mang tiếng mình là chủ căn nhà, à thì mình vẫn là chủ căn nhà nhưng chủ nhân thực sự là ngân hàng cơ ạ. Tức là nếu trong trường hợp mà chồng mình toang thì chủ nhân thực sự có quyền đá bay đít cả hai đứa ra khỏi nhà bất cứ lúc nào đó ạ.
Cảm nhận sau hơn 1 năm ở nhà riêng
Nói gì thì nói tâm lý ở nhà CỦA MÌNH nó hoàn toàn khác với tâm lý đi thuê nhà. Trước khi bọn mình mua nhà, chồng mình thuê một căn chung cư nhỏ ở. Mua đồ đạc gì trong nhà cũng đều tìm cái rẻ nhất hay dùng tạm bợ cái gì đó. Mình cũng không dám treo tranh ảnh đóng đinh trên tường sợ chủ nhà không thích hay phạt. Từ khi có nhà riêng khác hẳn, mình yêu từng góc cạnh của ngôi nhà. Sắm sửa đồ đạc và trang trí nhà cửa như một thú vui hàng ngày.
Tuy nhiên bất cập của nhà Paritalo như phần trước mình cũng đã nói qua. Sau khi ở nhà mặt đất thì đúng là sẽ vất vả hơn ở chung cư nhiều luôn. Nhất là đối với vợ chồng trẻ không có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo vệ nhà như hai đứa mình. Bọn mình phải tự trèo lên mái nhà dọn lá, về sau nếu có tuyết nhiều cũng phải trèo lên dọn tuyết. Mỗi khi mùa đông đến phải tự kiểm tra các ống nước thoát quanh nhà, rải sỏi quanh nhà chống ẩm v..v Chưa kể vườn tược phải tự dọn dẹp lá khô, tuyết v..v Điều đó tốn khá nhiều công sức và thời gian so với ở nhà chung cư, tuy phí dịch vụ có vẻ cao hơn nhưng hầu như bạn không cần phải lo lắng đến các vấn đề đó. Ít phải mất thời gian cho việc chăm sóc bảo quản nhà hơn.
Khi ở riêng, mọi điều mình trải nghiệm trong cuộc sống đều khiến mình có thêm kiến thức và cảm giác trưởng thành hơn nhiều. Mọi khi ở cùng bố mẹ, hỏng hóc chút xíu bố mình đều sửa cả. Ở riêng mới cảm nhận được rằng, ở cùng bố mẹ mới tuyệt với làm sao :)) Chả phải lo toan nghĩ ngợi gì, đến dầu tắm hết là mẹ mua mới liền. Có bố mẹ là cuộc đời ấm no.
Nhà cửa bên này khác rất nhiều với nhà ở Việt Nam, cảm giác nhà của bố mẹ mình bền bỉ nồi đồng cối đá hơn Phần Lan luôn. Nhưng do khí hậu thời tiết mà mình thấy cách bảo quản nhà cửa bên này tốt hơn. Tỷ dụ như nhà của mình bên Phần này là nhà được làm bằng gỗ. Khi bọn mình về Việt Nam mình nói chồng mình là tắt hết sưởi trong nhà đi cho đỡ tốn tiền điện nhưng được bác hàng xóm nói không nên. Dù có ở trong nhà hay không thì bọn mình vẫn phải giữ nhiệt độ trong nhà ở mức độ ổn định. Chất liệu nhà bằng gỗ có thể co bóp ảnh hưởng đến cấu trúc nhà nên việc vẫn bật sưởi và duy trì nhiệt độ cố định trong nhà rất quan trọng. Cũng chính vì thế mà dù hè hay đông, trong nhà nhiệt độ vẫn luôn ở tầm 19 đến 22 độ. Điều đó làm mình rất ngạc nhiên nhưng sau khi ở một thời gian, mình lại thấy yêu thích điều này vô cùng. Ở trong nhà không cần mặc áo ấm nhiều, vì nhiệt độ không đổi nên không bị ẩm mốc và sức khỏe của mình tốt hơn. Mình không bị lạnh hắt hơi dị ứng thời tiết như hồi ở nhà, mũi mình lúc nào cũng cảm thấy dễ thở hơn.
Mỗi khi thức giấc ở đây mình đều cảm thấy may mắn, may mắn vì mình có điều kiện đi xa nơi mình đã từng sống và sinh ra…học hỏi thêm nhiều những điều mới, trải nghiệm những điều mà mình chưa từng được trải qua. Làm bạn với những người mới mà đôi khi mình nghĩ, nếu cứ ở mãi một chỗ, phải chăng chính mình đang tự cắt nhân duyên của mình.
Cuộc sống là một chuỗi những khó khăn, thử thách. Có những điều mới lạ đến làm chúng ta hạnh phúc, vui vẻ, thất vọng, đau khổ…nhưng tất cả đều mang lại một ý nghĩa nhất định nào đó. Và may mắn là chúng ta vẫn đang, được trải nghiệm hưởng thụ từng ngày.