Mùa hè năm 2018 sau khi quyết định sống và đinh cư tại Phần Lan, chồng mình và mình đã quyết định đi tìm mua nhà. Ngôi nhà đầu tiên là một điều gì đó rất có duyên với hai đứa mình. Nhà được xây năm 1989 trùng với năm sinh của mình và hướng nhà rất hợp với tuổi của chồng mình.

Vì có nhiều người hỏi về quá trình mua nhà ở Phần Lan nên hôm nay mình cũng chia sẻ một số điều mình thấy khác lạ khi mua nhà ở đây. Tất nhiên, đây chỉ là góc nhìn cá nhân, có thể không đúng, có thể chưa phải là tốt, nhà cũ chứ không phải thủ tục mua chọn nhà mới xây, nhà trong dự án và cũng chính vì lần đầu mua nhà nên bọn mình cũng không có kinh nghiệm gì cả, tuy nhiên nếu ai có nhu cầu tìm hiểu mua nhà ở Phần Lan thì có thể tham khảo một số trải nghiệm khi mua nhà cũ của mình.

Bước đầu tìm nhà

Đầu tiên muốn tìm một căn nhà thì tất nhiên phải tìm trên các trang môi giới bán nhà rồi. Bọn mình tìm mua nhà ở nhiều trang môi giới bán nhà khác nhau nhưng hồi đó, nhà bọn mình ở được tìm thấy trên trang môi giới bán nhà của công ty Kiinteistomaailma. Ngoài ra mình thấy các trang bán nhà này cũng khá hay EtuoviOikotie .

Tiêu chí bọn mình đặt ra khi tìm nhà đó là càng ở gần ga tàu, bến xe càng tốt, thuận tiện cho việc đi lại. Và cả hai đứa cũng xác định sử dụng xe công cộng nhiều nên muốn tìm quanh khu vực zone A,B (đại khái là càng gần trung tâm) càng tốt. Giá vé tháng đi xe công cộng sẽ đỡ tốn hơn. Bởi mua xe ôtô là chưa cần thiết với hai đứa vì đi học, đi làm suốt ngày mà chồng mình làm việc trong trung tâm, việc thuê bến đỗ đậu cho xe ôtô ở trung tâm thành phố Helsinki khá đắt đỏ chưa kể thuế xe, nuôi xe hàng năm.

Tiếp đến là quanh khu nhà đang sống có tệ nạn hay không? có nhiều người định cư tị nạn hay không? Có bị liệt vào những khu nguy hiểm hay không? Bọn mình hướng tới những khu mà có số lượng người Phần Lan bản địa sống, yên tĩnh và an toàn. Nếu sau này có con cái thì hy vọng con cái học trường gần nhà cũng sẽ có một môi trường an toàn tốt hơn.

Quanh khu nhà có chợ trời, siêu thị, gần trường học, bệnh xá và thư viện càng tốt.

Điều quan trọng là kinh tế lúc đó cũng khó khăn nên giá nhà bọn mình cố gắng tìm chỉ khoảng 300.000 euro đổ xuống thôi.

Lên danh sách và đi xem nhà

Sau khi đã chọn được các khu vực sống cảm thấy tốt và không có review nào xấu cảnh báo trong cộng đồng người Phần Lan thì bọn mình khá dễ khoanh vùng tìm nhà hơn. Cũng chính vì có các tiêu chí riêng nên số lượng nhà bạn được lựa chọn chỉ còn vài ba căn nhà chứ thật sự cũng không có quá nhiều để lựa chọn nữa.

Cả hai đứa mình tiếng Phần Lan đều kém nên khi đọc các thông tin giới thiệu nhà đều mù tịt cả. Thế mới biết mù chữ khổ như nào luôn, từ đó mình luôn muốn học tiếng Phần Lan để ít nhất cũng có thể hiểu biết chút chút. Hồi đó hầu như nhìn và ngắm được nhà nào bọn mình cũng phải hỏi rất nhiều ý kiến bạn bè người Phần để tham khảo thêm. Và cũng rất may mắn bọn mình được giúp đỡ nhiều từ những người bạn Phần.

Mình lên danh sách các ngôi nhà muốn đến xem sau khi đọc kỹ các thông tin cần thiết từ căn nhà. Việc chọn một căn nhà tốt không có một công thức nhất định nào, mình nghĩ đó đều do cảm quan của từng người. Khi đến xem nhà, bước vào căn nhà đó có cảm giác thoải mái hay không, có thích thiết kế của căn nhà đó hay không đều là sở thích cá nhân cả.

Khi muốn đến xem nhà, thì không phải là muốn đến xem lúc nào cũng được. Hầu hết ( nhưng không phải tất cả) nhà ở đây được bán qua môi giới trung gian và không bao giờ gặp trực tiếp chủ nhà. Chúng mình sẽ gởi thư đặt lịch hay thông báo chúng mình quan tâm đến ngôi nhà này, và người bán nhà sẽ thu xếp thời gian, tài liệu về nhà và mở cuộc ghé thăm cho nhiều người cùng có nhu cầu đến xem nhà trong khoảng thời gian nhất định nào đó. Hoặc cũng có khi ngôi nhà đó sẽ có lịch đến tham quan xem nhà mà họ báo trước ở các trang môi giới và bạn có thể đến xem.

Các kiểu nhà ở Phần Lan

Ở Phần Lan có các loại nhà khác nhau, và mỗi dạng nhà thì đều có những chú ý cần lưu ý khác nhau.

Loại nhà chung cư – kerrostalo
Nhà liền kề – rivitalo
Kết quả hình ảnh cho paritalo
2 nhà kề nhau – paritalo
Nhà riêng – Omatalo

Nhà của bọn mình thuộc loại Paritalo – 2 nhà chung tường kề nhau. Nhà loại này bên Phần Lan thường có sân vườn thoáng. Không hiểu sao mình rất thích nhà mặt đất hơn chung cư nên hồi tìm mua nhà lúc nào mình cũng có cảm tình với mấy nhà riêng biệt có vườn hơn. Tuy nhiên chồng mình lại đặc biệt thích nhà chung cư, vì ưu điểm của nhà chung cư không phải lo lắng về các khoản dọn vườn, hay phải quá mất thời gian cho việc chăm sóc nhà cửa.

Những khác biệt cần lưu ý khi mua nhà ở Phần Lan

  • Điều đầu tiên khi mua nhà mình chú ý đến công ty nhà. Tìm hiểu về công ty nhà là điều mình thấy quan trọng. Hầu hết những căn nhà chúng mình chọn đi xem đều thuộc một công ty nhà nào đó. Mình không sở hữu được ngôi nhà Oma (nhà riêng) nên mình không rõ nhà riêng thì có công ty nhà hay không. Công ty nhà là một công ty có dự án xây một tòa nhà hay một dãy nhà.Và sau khi dự án đó hoàn thành họ sẽ bán từng căn nhà cho người muốn sở hữu. ( Bạn có thể hiểu đại khái là như vậy). Cách hoạt động của công ty nhà là khi chúng ta mua một căn nhà trong dự án đó, giống như chúng ta mua cổ phiếu của công ty đó vậy, chúng ta là cổ đông của công ty đó nhưng đôi khi chưa chắc chúng ta có quyền quyết định dự án sửa chữa tương lai của căn nhà chúng ta đang ở. Một công ty nhà có thể có nhiều thành viên và cũng có thể có ít thành viên, nhưng hầu hết công ty nhà nào cũng có người gọi là chủ tịch và dưới họ có khoảng 5,6 thành viên quyết định các dự án sửa chữa tương lai của các căn nhà thuộc quyền quản lý của công ty ( hay còn gọi là hội đồng nhà ).

  • Tại sao lại phải chú ý đến công ty nhà bởi vì đôi khi các công ty nhà muốn xây nhà hay sửa chữa nhà, họ sẽ phải vay tiền để giải quyết các vấn đề hay nâng cấp tòa nhà chúng ta đang ở, tức là họ sẽ có một số khoản nợ trước mà chưa thanh toán hết. Hoặc họ sẽ có các dự án sửa chữa ảnh hưởng nhiều đến căn nhà của bạn mà bạn bắt buộc theo theo số đông hay theo những gì họ quyết. Ví dụ như bạn mua căn nhà mà trong năm tới họ có quyết định sửa đường ống nước của cả tòa nhà bạn đang ở. Họ sẽ vay vốn và sửa chữa trước, sau đó họ sẽ tính toán chi phí cho từng căn hộ trong tòa nhà đó và lên chi phí bạn phải trả hàng tháng. Đôi khi việc sửa chữa ống nước bạn sẽ phải dọn ra chỗ khác ở đợi đến khi hoàn thành xong mới tiếp tục ở căn nhà đó được. Còn nếu khi trước đó họ vẫn còn các khoản nợ thì sau khi bạn mua nhà, bạn cũng phải có trách nhiệm trả tiếp những chi phí còn nợ đó.

  • Tiếp theo đó là dự án quyết định sửa đường ống nước của căn nhà đó. Tại vì tất cả các chi phí sửa khác không có mất nhiều tiền bằng việc sửa đường ống nước. Ở Phần Lan có những căn nhà rất cổ, được xây dựng khá lâu rồi và cứ 40 năm đến 45 năm họ sẽ có dự án thay sửa ống nước 1 lần. Nhà mình được xây dựng năm 1989 thì khoảng 10 năm nữa chắc mới có dự án sửa ống nước. Sửa ống nước là một việc rất đắt đỏ. Sau khi công ty nhà vay tiền và thực hiện việc sửa chữa xong, họ sẽ tính chi phí dựa trên m2 tùy căn nhà bạn sở hữu để lên chi tiết số tiền bạn phải trả. Chi phí đó sẽ được cộng vào phí dịch vụ của tòa nhà bạn phải trả hàng tháng (mỗi tháng đội lên khá nhiều tiền) hoặc bạn có thể trả một lần nếu muốn. Có những ngôi nhà bán rẻ vì có dự án sửa đường ống nước trong thời gian gần tới. Nên chú ý điều này.

  • Đất bạn mua căn nhà đó là đất thuê hay đất không thuê. Đất thuê thì sẽ có phí thuê hàng năm và có hạn sử dụng. Bọn mình tìm các căn nhà là đất được sở hữu, tức là hàng năm mình không mất chi phí thuê đất và cũng không có giới hạn thuê nên mình không hiểu lắm về cách tính tính chi phí khi mua nhà có đất thuê như thế nào.

  • Ở Phần Lan có 2 loại phí mà bạn phải thanh toán hàng tháng đó là Hoitovastike ( phí bảo dưỡng, phí bảo trì ) : Phí này do hội đồng nhà quyết định, không phải cứ nhà nhiều m2 là phí cao và cũng không phải cứ ít m2 là phí thấp. Phí này là tùy quyết định của hội đồng nhà để duy trì bảo dưỡng cho cả tòa nhà. Ví dụ như chi trả cho dịch vụ đổ rác, dọn tuyết, làm sạch mái, rải sỏi ở đường trong mùa đông v..v Phí này bắt buộc bạn phải trả hàng tháng. Thứ 2 đó là Rahoitusvastike ( phí vay nợ tồn đọng của hội đồng nhà). Cái này muốn hiểu rõ hơn thì mình sẽ để ảnh ở bên dưới :

Myyntihinta : Đây là giá nhà họ bán. Bạn có khoảng từng này tiền thì đã đủ để mua nhà rồi.

Velkaosuus: Đây là khoản còn nợ . Khoản nợ này về vấn đề gì thì bạn phải trực tiếp hỏi người môi giới hoặc tìm hiểu về các dự án của công ty nhà đó. Tại mình mua nhà không có khoản nợ gì nên mình không rõ.

Velaton hinta : Giá tiền thực tế của tòa nhà bạn phải trả. Tức là giá ban đầu tiên (Myyntihinta) người ta giao bán nhà không phải là giá tiền cuối cùng thực sự của căn nhà.

Tuy nhiên khoản nợ bạn có thể chọn trả luôn 1 lần hoặc trả theo hàng tháng. Nếu bạn trả theo hàng tháng thì phí đó gọi là Rahoitusvastike.

Vậy tức là nếu bạn đi mua nhà, mà Velkaosuus là 0 euro thì bạn cũng không cần phải trả phí Rahoitusvastike hàng tháng nữa. Còn nếu Velkaosuus còn tồn động thì hàng tháng sau khi bạn mua căn nhà đó, bạn sẽ phải trả tổng hai phí HoitovastikeRahoitusvastike cho mỗi tháng bạn ở. Điều này cũng đáng phải cân nhắc bởi phí đó sẽ là một khoản cố định bạn phải trả hàng tháng cộng thêm tiền vay và lãi của ngân hàng nữa.

  • Khi ở nhà chung cư hoặc công ty sở hữu nhà lớn thì họ sẽ có thông tin các phụ phí thêm như bãi đậu xe có sưởi là bao nhiêu hàng tháng, tiền nước là bao nhiêu cho một người, các khoản phụ phí khác khi chúng ta ở. Còn đối với nhà mặt đất như bọn mình đang ở thì không có thông tin này, bởi bọn mình phải tự làm hợp đồng với công ty điện, nước, internet v..v.. Bù lại trong khuôn viên nhà có chỗ đậu xe của riêng nhà nên bọn mình không mất tiền thuê chỗ đậu xe hàng tháng. Nhưng sau khi ở nhà này một thời gian thì mình thấy chi phí điện nước ở nhà paritalo đắt đỏ hơn nhà chung cư nhiều 🙂 Hồi ở chung cư được tính tiền nước theo đầu người, dùng bét tè nhè ra có 15 euro hay 20 euro gì đó, còn khi ở nhà mặt đất thì dùng hết nhiêu trả tầm đó nên bọn mình phải tiết kiệm hơn nhiều.
  • Khi đến xem nhà, họ sẽ có tài liệu chi tiết hơn về căn nhà bạn quan tâm như kế hoạch tương lai của hội đồng nhà quyết định sửa chữa gì. Và những kế hoạch đã được sửa chữa trước đó.( sửa cửa sổ, mái nhà, khuôn viên v..v) Nhưng điều mình thấy cần lưu ý nhất ngoài hệ thống ống nước đó là khu nhà vệ sinh và khu bếp. Hai khu này nếu đã được chủ nhà cũ sửa chữa tân trang lại thì tốt nhất. Bởi khi bạn ở mà muốn sửa lại khu vệ sinh hay khu bếp là thứ vốn rất tốn kém. Chi phí thợ thuyền sửa chữa ở nước ngoài đắt đỏ, nếu bạn tiết kiệm tự sửa lại càng không nên vì đôi khi sẽ ảnh hưởng làm hỏng nhà v..v. Mà ở Phần Lan khi bạn mua nhà không có nghĩa là bạn thích đập đục phá cái gì bạn có thể tự ý làm cái đó, khi bạn muốn thay sửa đập phá cái gì bạn nên hỏi ý kiến của hội đồng nhà trước, điều đó có ảnh hưởng gì đến các nhà khác hay không? Vì vậy chú ý đến bếp và nhà vệ sinh đã được cải tạo lần nào chưa? Bao lâu rồi? đánh giá có được tốt và còn sử dụng được trong bao lâu nữa là điều quan trọng và cần thiết.
  • Cuối cùng đó là hãy xin giấy tờ của thanh tra đánh giá chất lượng nhà mà bạn muốn mua. Mỗi một căn nhà họ bán mình nghĩ đều có giấy tờ đánh giá này. Nhà còn tốt hay không? hệ thống nước nóng có đúng chuẩn nhiệt độ không? Khi mình mua nhà có được sự thống kê đánh giá này nên mình cảm thấy rất yên tâm khi mua nhà. Họ sẽ đánh giá chất liệu mái nhà được sử dụng chất liệu gì, tường nhà còn tốt, hay chất liệu cách âm của nhà là gì, đo độ ẩm không khí trong nhà có an toàn, có mốc, các vết nứt nhỏ xíu ở tường cũng được đánh giá xem về lâu về dài có ảnh hưởng đến kết cấu nhà hay không? v..v. Có những đánh giá xấu, sau đó chủ nhà cũ biết được và sửa chữa lại tốt hơn để bán thì họ cũng sẽ ghi rõ ràng trong đó là đã sửa gì, sửa từ khi nào v..v. Và nếu chủ nhà cũ không sửa thì bạn cũng sẽ biết được thông tin tình trạng của căn nhà và lên kế hoạch sửa chữa trong tương lai. Nói chung bản đánh giá nhà của thanh tra nhà rất kỹ lưỡng. Bạn có thể hoàn toàn yên tâm và tin vào điều đó chứ không phải nghe sự đánh giá khách quan một chiều của người môi giới. Ngoài ra hãy hỏi về các giấy tờ về tất cả những đồ đạc có sẵn trong nhà đã được thay hay mua từ khi nào. Thường thì chủ nhà cũ họ sẽ giữ tất cả các giấy tờ mua bán này lại. Và nếu bạn có mua nhà thì cũng nên giữ chúng lại để có thể giao lại cho người sau nếu bạn muốn bán nhà. Càng kỹ bao nhiêu thì bạn sẽ càng có nhiều thông tin và dễ kiểm soát bây nhiêu.

Còn tiếp…

Bài viết chủ đề này khá dài nên mình chia làm 2 phần, phần tới mình sẽ viết về bước tiếp theo khi đã chọn được căn nhà ưng ý và trải nghiệm đi vay tiền ngân hàng như thế nào, cũng như trải nghiệm sau hơn 1 năm sở hữu nhà bên này thì có những bất cập gì và lợi ích gì.